1. Những vấn đề đạo đức, pháp luật và văn hóa
Những hành vi vi phạm về đạo đức, pháp luật và văn hoá khi sử dụng mạng:
● Đưa tin không phù hợp lên mạng
● Công bố thông tin cá nhân không được phép
● Phát tán thư điện tử, tin nhắn rác
● Vi phạm bản quyền
● Bắt nạt qua mạng
● Ứng xử thiếu văn hoá
Nhận dạng tin giả
2. Một số quy định pháp lí đối với người dùng trên mạng
2.1. Các văn bản quy phạm pháp luật
- Các văn bản quy phạm pháp luật gồm nhiều loại trong đó có: các bộ luật do Quốc hội ban hành và các nghị định do Chính phủ ban hành để cụ thể hoá các điều khoản của luật.
- Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều bộ luật liên quan đến Công nghệ Thông tin (CNTT) như: Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ Thông tin (2006) và Luật an ninh mạng (2018).
- Cụ thể:
+ Nghị định 90/2008/NĐ-CP ban hành ngày 13/8/2008 về chống thư rác;
+ Nghị định 72/2013/NĐ-CP ban hành ngày 15/7/2013 về quản lí, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet;
+ Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử.
+ Tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành ngày 17/6/2021.
2.2. Các quy định của pháp luật đối với người dùng trên không gian mạng
- Điều 12 khoản 2 của Luật công nghệ thông tin quy định cấm "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số" nhằm các mục đích sau đây:
a) Chống Nhà nước Cộng hoà hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân.
b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mĩ tục của dân tộc.
c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những mặt khác đã được pháp luật quy định.
d) Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
e) Quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.
- Điều 8 khoản 1 trong Luật an ninh mạng cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này.
b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
c) Xuyên tạc lịch sử phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc.
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
e) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người, đăng tải thông tin dâm ô, đồi truỵ, tội ác, phá hoại thuần phong, mĩ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng.
f) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
- Một số hành vi vi phạm pháp luật về đưa tin trên mạng xã hội được cụ thể hoá kèm theo mức phạt trong Điều 101, khoản 1 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP
- Các nguyên tắc để nâng cao tính an toàn khi chia sẻ thông tin trên môi trường số:
+ Trước khi đăng tin, hãy kiểm tra tin bài có vi phạm pháp luật hay không
+ Không chia sẻ tin bài vi phạm pháp luật. Ngoài ra cần phải biết tin tức có chính xác không. Ngày nay trên mạng có rất nhiều tin giả, việc chia sẻ một tin giả chính là tiếp tay cho hành vi tung tin giả.
+ Ngay trong cả trường hợp việc đưa tin không vi phạm pháp luật thì cũng phải cân nhắc hậu quả, nhất là khía cạnh đạo đức. Một tin vô hại với người này có thể mang lại tai họa cho một người khác.
Ghi nhớ
● Khi đưa tin lên mạng, hãy xem xét nội dung các tin bài có vi phạm các quy định của pháp luật hay không. Đừng quên rằng, việc chia sẻ một tin vi phạm luật cũng là vi phạm pháp luật.
● Ngay khi tin đưa không phạm pháp luật, vẫn phải tính đến các hậu quả của nó khi nó vi phạm những chuẩn mực đạo đức.
3. Quyền tác giả và bản quyền
a) Quyền tác giả
- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
- Trong luật sở hữu trí tuệ được Quốc Hội ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2019, quy định quyền tác giả đối với tác phẩm (bài thơ, bài báo, bức tranh, hình vẽ, chương trình máy tính, sưu tầm dữ liệu,....) bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó:
+ Quyền nhân thân bao gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác phẩm,...
+ Quyền tài sản bao gồm các quyền: Làm tác phẩm phái sinh; Sao chép tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính,...
b) Vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm tin học
- Vi phạm quyền tài sản hay quyền nhân thân đều là vi phạm bản quyền. Hành vi vi phạm bản quyền rất đa dạng. Sau đây là một số hành vi vi phạm bản quyền đối với các tác phẩm số:
+ Mạo danh tác giả.
+ Công bố mà không được phép.
+ Sửa chữa, chuyển thể phần mềm dữ liệu mà không được phép của tác giả.
+ Sử dụng phần mềm lậu, không mua quyền sử dụng phần mềm đối với các phần mềm phải trả tiền
+ Phá khoá phần mềm, vô hiệu hoá các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thiết lập.
+ Làm bản phái sinh, phân phối dữ liệu hay phần mềm, kể cả bản phái sinh mà không được phép.
+ Chiếm đoạt mã phần mềm.
+ Đăng tải các tác phẩm, kể cả bản phái sinh mà không có sự cho phép của chủ sở hữu.
c) Tôn trọng bản quyền trong tin học
- Trong tin học, khi mua phần mềm, cần phân biệt rõ việc mua bản quyền với mua quyền sử dụng (licence).
+ Khi mua bản quyền thì người mua có quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh đối với tác phẩm đó giống như cách Google mua Youtube.
+ Còn nếu chỉ mua quyền sử dụng thì chỉ được sử dụng.
- Quyền sử dụng phần mềm máy tính theo số máy được cài đặt. Nếu mua quyền sử dụng cho một máy rồi cài lại cho máy thứ hai là vi phạm bản quyền.
- Trong lĩnh vực tin học, vi phạm bản quyền có thể gây thiệt hại rất lớn cho người đầu tư vì sản phẩm có một số đặc tính:
+ Dễ sao chép với chi phí rất thấp.
+ Dễ phát tán trên quy mô lớn.
Cách tin giả hoạt động